Deutsch - Vietnamese
LỄ KHÁNH THÀNH NHÀ LƯU TRÚ HỌC SINH MĂNG BUK

30.3.2011

Các anh chị và các bạn thân mến,
 
Trước hết tôi xin có một vài dòng về việc chuẩn bị chuyến đi khánh thành nhà lưu trú (nội trú) cho học sinh trường Măng Bŭk tỉnh Kon Tum. Chỉ hai ngày sau khi phổ biến email mời các anh chị đi tham dự, số người ghi tên đã quá số chỗ ngồi trên chiếc xe bus của báo Tuổi Trẻ BTT, cho nên chúng tôi rất tiếc phải từ chối và xin lỗi các anh chị muốn tham dự, nhưng không còn chỗ.
Ngày 4.3.2011:
Lúc 6 giờ sáng, chúng tôi tất cả gồm 15 người (13 người Uỷ ban Tương Trợ - UBTT- và 2 người báo Tuổi Trẻ - BTT) khăn gói tụ tập ở toà soạn BTT, lên đường khởi hành chuyến đi khánh thành nhà lưu trú Bình Minh 12 (BM 12) ở Măng Bŭk tỉnh Kon Tum.
Chúng tôi rời thành phố Sàigon đi theo quốc lộ 14 qua 5 tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đăk Lăk (TP Buôn Mê Thuột), Đăk Nông và Gia Lai (TP Pleiku). Qua những địa danh quen thuộc như Đồng Xoài, Sóc Bom bo - Bù Đăng, Nhân Cơ, Đăk Mil, Buôn Hồ, Chư Prông (Plê-mê)
Đường đi lên Tây nguyên qua những rừng thông, rừng cao su bạt ngàn, rừng cà phê nằm thoai thoải bên sườn đồi. Phong cảnh rất đẹp, khí hậu trong lành và mát mẻ, rất dễ chịu. Lúc này vào mùa xuân hoa cà phê nở rộ. Thỉnh thoảng đi qua những vườn cà phê ớ ngay bên đường, chúng tôi dừng lại để nghỉ ngơi, ngắm hoa và chụp hình kỷ niệm. Hoa cà phê trắng như tuyết và thơm như mùi hoa nhài (lài).
Chúng tôi đến Pleiku khoảng 9 giờ đêm và ngủ lại ở đó, gặp thêm một đoàn của BTT ở Bình Định gồm có 3 người lên tháp tùng cùng đi với chúng tôi. Trong đoàn có anh Chương (một người rất quen, đã cùng chúng tôi xây nhà lưu trú ở An Lão) và một Việt kiều ở Nhật, anh còn trẻ về VN làm từ thiện về môi trường với BTT trong vòng hai năm nay.
Ngày 5.3.2011: Sáng nay chúng tôi phải thức dậy sớm vì phải khởi hành đi Kon Tum vào lúc 5 giờ sáng. Từ Kon Tum chúng tôi đi Măng Đen (thị trấn của huyện Konplông) và ở đó phải đổi xe đi Măng Bŭk. Đoạn đường từ Măng Đen lên Măng Bŭk là ngắn (chừng 30 - 40 km), nhưng nhưng là đường đất lại bị hư hỏng rất nhiều, nên xe bus không thể tiếp tục lên đó được. Chúng tôi phải chuyển sang 3 xe U-Oát của Nga (xe Jeep – Unimog có 2 cầu( Allradantrieb)). Trên chiếc xe U-Oát của tôi có đến 7 người, 3 người ở đằng trước, băng sau 4 người. Xe lắc lư chồng chình tùy theo độ gồ ghề của con đường, đôi khi xe leo lên một mô đất cao, hai bánh lơ lửng giữa không trung, không biết xe sẽ nghiên về phía nào, nhiều đoạn xe phải lội qua suối, mức nước cao gần lút bánh xe, lắm lúc xe còn bị lún ở một vũng bùn, tưởng chừng như không không đi tiếp được. Trên các triền đồi là những bản làng của người dân tộc Sê Đăng, Bà Na, Ê Đê … Đoạn đường này đi rất thú vị, nhưng cũng rất mạo hiểm.
Rồi cuối cùng chúng tôi cũng đến đích: trường Măng Bŭk. Đây là một trường trung hoc cơ sở có 453 học sinh người dân tộc Sê Đăng (từ lớp 5 đến lớp 9 – có hai lớp sáng và chiều) và khoảng 30 giáo viên. Khi chúng tôi đến các em học sinh đã xếp hàng sẵn. Có một đội trống kèn mặt đồng phục trắng đón chúng tôi rất trang trọng. Các thầy cô và các em tổ chức cho chúng tôi xem một buổi văn nghệ ngoài trời, gồm đủ các tiết mục đơn ca, đồng ca nam, nữ và những điệu múa của đồng bào dân tộc Tây nguyên.
Thay mặt cho UBTT chị Phượng cắt băng khánh thành, các anh chi trong đoàn tặng quà của UBTT cho các em các học sinh học lớp sang của trường, quà cho mỗi em gồm có: 2 tập vở và 2 cây bút nguyên tử. Riêng cho khoảng 150 em lưu trú (nội trú) mỗi em còn được tặng thêm 2 gói mì tôm. BTT tặng thầy cô ở Măng Bŭk, mỗi người một bộ áo quần.
Trước khi đi chúng tôi đã mang 35 cuốn sách Einstein của anh Nguyễn Xuân Xanh, để tặng cho thầy cô ở Măng Bŭk, số sách còn lai chúng tôi trao tặng cho Phong giáo dục ở huyện  Konplông để phân phối cho các trường trong huyện. Anh Xanh cho biết, chị Hồng vợ của anh Châu Thái Nguyên (Hoa Kỳ), đã dùng số tiền phúng điếu cho lễ tang của anh Nguyên cho 200 cuốn Einstein, để biếu cho các trường học ở vùng sâu và xa.

Chi phí quà tặng của UBTT là 9,1 triệu ĐVN (ca. 320 EUR). Ngoài ra chị Huệ và một số anh chị trong đoàn cũng đã tặng cho các em một số tiền mặt. Chị Thu (Muenchen) mặc dù ở xa, không tham dự chuyến đi và một vài anh chị khác cũng gởi tiền qua trương mục của UBTT để mua quà tặng cho các học sinh Măng Bŭk. Ngày 6.3 BTT có loan tin về lễ khánh thành nhà lưu trú cho học sinh ở Măng Buk – Kon Tum. Bài rất ngắn nhưng thông tin rất đầy đủ (xin đính kèm bài của BTT).

Trưa hôm ấy các thầy cô trường Măng Bŭk nấu cơm trưa đãi chúng tôi tại trường. Bữa cơm có rượu cần của đồng bào địa phương. Chúng tôi ngồi bệt xuống sàn nhà như khi về làng quê VN ăn cỗ. Chiều về lại Măng Đen chúng tôi còn được các thầy cô huyện Konplông đãi bữa cơm tối và có chương trình giao lưu văn nghệ. Các thầy cô hát những bài ca về Tây nguyên, còn chúng tôi hát chung với nhau những bài ca thời sinh viên ở Tây Đức.

Hôm nay là ngày vui nhất trong chuyến di. Chúng tôi cám ơn những người đã giúp đở tài chính 300 triệu (12.000 EUR) để xây nhà lưu trú Bình Minh 12, cám ơn BTT đã tổ chức chuyến di và cám ơn các thầy cô và các em học sinh đã đón chúng tôi rất chân tình. Nhìn các em tươi cười khi nhận quà và trong đó có hơn một trăm em gia đình xa trường, có môt ngôi nhà cư trú rộng 150 m2, có bốn phòng ở, hành lang ỏ phía trước, phiá sau hè rất rộng có 4 phòng 4 vệ sinh và hồ chứa nước. Từ đây, các em có nơi ăn chốn ở để học hành, khỏi phải băng rừng lội suối đi học, khỏi phải du dây qua sông vô cùng nguy hiểm, và nhất là khỏi bỏ học, lòng chúng tôi cũng vui lây.

Các thầy cô cho biết ít khi có khách đến thăm, nên thấy đoàn của UBTT là mừng lắm. Gia đình các em người dân tộc nghèo, lại neo người, nên các thầy cô phải nhẫn nại thuyết phục phụ huynh các em ở xa trường cho các em đi học. Trước đây, khi chưa có nhà lưu trú nhà trường đã phải dựng lều, xây lán cho các em tạm trú qua đêm. Các em ở nội trú thường hay về nhà giúp đở gia đình vào chiều thứ bảy, đi suốt buổi chiều mới đến nhà và trở lại trường vào tối chủ nhật. Nhiều em phải băng rừng lội suối, du dây, lội bộ cả 30 cây số đường rừng, đôi khi phải đi trong đêm. Các thầy cô còn tâm sự nỗi niềm bức xức khi giảng dạy cho các em người dân tộc, các em chỉ hiểu được bài giảng chừng ba bốn phần (trong mười phần giảng dạy), nhưng không biết làm sao để cải thiện. Có một số thầy cô người dân tộc nhưng đại đa số là người kinh, họ đến từ miền Bắc: Phú Thọ, Cao Bằng .. miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Quảng Ngãi… là những người con của thành thị, đồng bằng lên cao nguyên, họ xa gia đình, xa quê  thiếu thốn đủ mọi thứ, vật chất lẫn tinh thần: sách vở, báo chí, phim ảnh, internet … có những đêm buồn trống trải, gặp khó khăn có lúc họ cũng chồn bước, nhưng sáng sớm khi nhìn các em vui vẻ học hành, cũng làm họ vui lên, ở lại cùng các em.
Tối hôm đó, phần mệt vì đường xa, phần vì bị xe nhồi và khí hậu cao nguyên trong lành, mát mẻ, ai cũng ngủ rất ngon.
Ngày 6.3.2011 (chủ nhật): Sáng nay chúng tôi được hai thầy giáo các trường ở huyện Konplông dẫn đi xem những thắng cảnh ở địa phương: hồ nuôi cá tầm (hình như là loại cá Stör đẻ ra trứng cá kaviar rất đắt tiền) và thăm thác Pa Sỹ, thác đẹp nhưng muốn xem phải xuống chân thác, đi xuống và đi lên những bực thang dài và ngoằn ngoèo. Dưới chân thác, bên bờ suối rác và túi ny-lông vứt bừa bãi. Gần như vô thức một người trong đoàn đi lượm túi ny-lông và như thế cả đoàn làm theo, gom rác vào túi, mang lên để gọn trước của vào thác. Tại đây không có thùng đựng rác. Về lại Sàigòn mấy ngày hôm sau có người hỏi tôi về chuyện đi nhặt rác. Tôi không hiểu, họ phải giải thích, đến khi xem báo mới biết anh phóng viên của BTT ở Kon Tum thấy cảnh đó và đã viết bài phóng sự đăng trên báo BTT ngày 9.3.2011và nhiều báo địa phương khác ở Tây nguyên. Thật là một việc vô tình nhỏ nhặt, nhưng qua báo chí lại là một việc có ý nghĩa. Hy vọng sẽ có nhiều người quan tâm (đính kèm bài phóng sự Nhặt rác ở thác Pa Sỹ - BTT).

 Buổi trưa chúng tôi trở lại khác sạn để trả phòng và chia tay với các thầy cô huyện Konplông. Có người trong đoàn yêu cầu hát lại bài tình ca Măng Đen. Bài hát rất hay ghi lại mối tình của hai người trẻ ở đồng bằng lên Tây nguyên lập nghiệp, tôi ghi xin link web-site để các anh chị thưởng thức.

 
Buổi chiều trên đường về lại SG chúng tôi đi qua Kon Tum ghé thăm Nhà thờ làm toàn bằng gỗ rất đẹp do người Pháp xây dựng năm 1913, thăm cầu treo Konplor trên sông Đăk Bla , thăm Biển Hồ rộng đên 240 ha, hồ nước ngọt thiên nhiên, lớn nhất Tây nguyên. Tối đó ngủ lại Buôn Mê Thuột.
Ngày 7.3.2011. Sáng sớm ghé thăm và uống cà phê chồn tại làng (thủ phủ) cà phê Trung nguyên ở Buôn Mê Thuột và sau đó về thẳng SG. Sau 4 ngày đi một đoạn đường dài chừng 650 cây số (cả đi về chừng1300 cây số) chúng tôi trở lại Sàigon lúc 20 giờ đêm.

Cũng như những lần đi cứu trợ trước đây, để số tiền đóng góp của các anh chị hảo tâm không bị hao hụt, việc di chuyển: xe cộ, tài xe do BTT đài thọ, anh chị em trong đoàn, mỗi người tự trả tiền phòng của mình, những chi phí khác như: ăn uống dọc đường chúng tôi góp lại để tiêu chung. Sau khi đi về còn dư một ít, chia đều trả lai cho anh chi em trong đoàn. Có nhiều anh chi không lấy và tặng lại cho UBTT. Chúng tôi nhận được 1,6 triệu (ca. 52 EUR) để thực hiên những công việc từ thiện của UBTT trong thời gian tới. Chúng tôi xin chân thành cám ơn nghĩa cử của các anh chi trong đoàn và đậc biệ đã dành thì giờ tham gia công việc của UBTT.

Hậu trại:
Ngày 10.3.2011 chúng tôi lại gặp nhau ở quán cà phê Hẻm Gió, trên sân thượng ở tòa soạn BTT, để cùng nhau trao đổi hình ảnh, rút kinh nghiệm chuyến đi, cũng như bàn bạc về  những dự án từ thiện của UBTT với BTT trong thời gian tới.
Sau khi được tiếp xúc với các em, với các thầy cô và tình cảnh ở trường Măng Buk, xa thành thị, đường đi hiểm nên sự vận chyển rất khó khăn, mặt hàng tượi rất hiếm và đắt, nên thức ăn ở đây chủ yếu là muối, cá khô mặn …anh Đổ Ngọc Quỳnh có ý kiến muốn xúc tiến việc lập dự án về “vườn rau sinh thái”. Anh Quỳnh là một trong những sáng lập viên của UBTT và cũng là một nhà nông chuyên nghiệp. Anh tốt nghiệp Tiến Sĩ nông nghiệp ở ĐH Hohemheim/Stuttgart. Năm 1985 anh về nước giảng dạy ở ĐH Cần Thơ cho đến năm 2010 thì nghỉ hưu, chuyên nghiên cứu về việc xây dựng và phát triển biogas trong mô hình VACB (sản xuất nông nghiệp khép kín với sự liên kết chặt chẽ giữa cây trồng vườn (V), với ao nuôi cá (A), chăn nuôi (C) và hầm ủ Biogas (B)) cho đồng bào ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích của dự án vườn rau sinh thái theo mô hình VACB là: a) để cải thiện chất ăn tươi trong mỗi bửa ăn b) giúp các em có nơi thực tập về nông nghiệp, các em học xong trường này đến lớp 9 là nghỉ, sau đó chừng 20 % sẽ được lên trường huyện học tiếp cấp 3, nên đa số theo nghề nông làm rẫy … Để tránh lệ thuộc vào phân thuốc hóa chất phải mua từ ngoài vào, dự án theo mô hình VACB, kết hợp vườn, ao, chăn nuôi để có phân hữu cơ Biogas. Anh Quỳnh dự tính xây dựng mô hình này cho nhiều trường ở Tây nguyên với sự góp sức của thầy cô và các cơ quan địa phương về giáo dục và nông nhiệp.
Dự tính cho dự án ở thí điểm trường Măng Bŭk là 50 triệu đồng VN (chừng 2.000 EUR).
Các anh chị cũng có thể vao xem chi tiết về dự án “vườn rau sinh thái VACB” và hình ảnh đầy đủ của chuyến đi Măng Bŭk trên trang web-site của VSW-UBTT 
Dự án vườn rau sinh thái:
 
Lễ khánh thành nhà lưu trú ở Măng Bŭk – Kon Tum
 
Hôm đó các anh chi cũng có đề nghị nhờ BTT kiếm cho UBTT một địa điểm để xây một nhà lưu trú (nôi trú) tiếp theo cho học sinh người dân tộc. Hiện nay, chúng ta đã xây được 3 nhà lưu trú ở  Tây nguyên / miền Trung (An Lão/Bình Đình – Pa Tằng/Khe Sanh – Măng Bŭk/KonTum ), nên lần này có đề nghị sẽ chọn một địa điểm ở miền Bắc VN chẳng hạn: vùng Sơn La, Lào Cai, Điện biên Phủ, nơi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, và hiện nay rất ít được quan tâm giúp đỡ.
Chúng tôi rất mong được các bạn và các anh chị ủng hộ.
 Trương mục của UBTT:
Vietnamesisches Studienwerk e.V. (VSW)
BW-Bank (Baden-Württembergische Bank)
Kontonummer: 2842534
Bankleitzahl: 60050101
Kennwort (cho vườn rau sinh thái) : Bio-Gemüsegarten
hay Kennwort (cho nhà lưu trú ): Aufbau eines Schulerwohnheims
 
Xin các bạn cho biết địa chỉ, để chúng tôi gởi Spendenbescheinigung lấy lại thuế.
 
TM. UBTT Đặng văn Châm
website: www.vsw-ubtt.com  
 
 
 

Thứ Ba, 08/03/2011, 06:45 (GMT+7)

Báo Tuổi Trẻ khánh thành nhà lưu trú học sinh tại Kon Tum

 

TT - Ngày 5-3, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ủy ban Tương trợ người VN tại CHLB Đức và Phòng GD-ĐT huyện Kon Plông, Kon Tum làm lễ khánh thành và bàn giao nhà lưu trú “Bình Minh 12” cho học sinh Trường THCS Măng Búk, huyện Kon Plông.

Nhà lưu trú được xây dựng trên diện tích 150m2 gồm bốn phòng và các công trình vệ sinh, phòng

phơi quần áo... tổng kinh phí 400 triệu đồng (trong đó 300 triệu đồng do Ủy ban Tương trợ người VN tại CHLB Đức tài trợ, 100 triệu đồng do địa phương đóng góp).

Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kon Plông Trần Ngọc Hưởng cho biết: “Khi đưa vào sử dụng sẽ phục vụ khoảng 100 em học sinh dân tộc Xơ Đăng ở bán trú, trong đó nhiều em trú tại làng Đăk Lanh phải đi bộ xa nhà trên 30km. Bây giờ có nhà bán trú sẽ hạn chế việc các em bỏ học giữa chừng”.
Nhân dịp này báo Tuổi Trẻ và Ủy ban Tương trợ người VN tại CHLB Đức đã tặng quà cho học sinh và thầy cô giáo gồm tập vở, sách tham khảo và mỗi em 100.000 đồng.

                                                                                                                                                                                            TRẦN THẢO NHI

 
Thứ Tư, 09/03/2011, 03:30 (GMT+7)

 Nhặt rác ở thác Pa Sỹ
 
TT - Ngày 6-3, đoàn công tác của Ủy ban Tương trợ người VN tại CHLB Đức sau khi làm lễ bàn giao nhà lưu trú cho học sinh xã vùng sâu Măng Búk (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) đã tranh thủ đi thăm thác Pa Sỹ nằm trong khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông.
Nơi đây hằng ngày thu hút rất đông khách du lịch đến tham quan. Thác đẹp nhưng vẫn không thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả đoàn bằng việc một số du khách vô ý thức xả rác bừa bãi ở khu vực thác.
Ban đầu là bà Đỗ Ngọc Quỳnh đi nhặt từng mảnh rác, sau đó cả đoàn cùng đi nhặt rác. Việc làm của đoàn gây sự chú ý mạnh cho nhiều khách du lịch. Mặc dù tuổi cao, leo dốc bằng bậc thang, nhưng cả đoàn đều cầm trên tay túi rác mình nhặt được.
Lên đến bãi đậu xe, mọi người đều thất vọng vì tưởng rằng nơi đây sẽ có một thùng đựng rác được đặt sẵn, nhưng không hề có. Không biết để rác nơi đâu, mọi người tập trung gom vào một điểm, bà Quỳnh đề nghị đem rác lên ôtô để đưa ra khỏi khu du lịch.
TRẦN THẢO NHI
 
 
 
2011/3/14  ĐNQ  Konplong, Mang Buk 2
Thân chào các Bạn,
Thân gởi các Thầy Cô của trường Mang Buk, và của các trường khác trong huyện Konplong mà chúng ta đã quen biết trong buổi giao lưu với phòng GD huyện Konplong. Thơ cũng gởi đến các Bạn của Ủy Ban Tương Trợ… (UBTT) và báo Tuổi Trẻ quan tâm đến các Thầy Cô và các em của Trường. Đồng thời thơ cũng được gởi đến sở Giáo Dục (GD) và sở Nông Nghiệp (NN) của huyện Konplong để mong nhận được sự hỗ trợ.  
Nội dung của thơ  gợi ý v/v gây dựng một mô hình sản xuất nông nghiệp khép kính hợp sinh thái tại trường, bằng trao đổi ý kiến thông tin qua thơ điện tử  (Email) và Internet,  để góp phần cải thiện đời sống của các Thây Cô và bữa ăn của các em nội trú. Xa hơn mô hình này giúp liên hệ giữa học và hành đặc biệt trong lãnh vực liên quan đến sản xuất nông nghiệp bền vững tại nông thôn vùng cao.
Thơ ngày 09/03/2011, Mang Buk1 (có gởi kèm) Tôi đã hỏi ý kiến các Bạn quen biết của UBTT và báo Tuổi Trẻ. Đến nay ý tưởng này đã nhận được sự đồng tình và cổ vũ quý giá. Bước tiếp theo rất mong nhận được phản hồi của các Bạn có liên quan tại Mang Buk và tại Konplong.
Đối tượng trực tiếp đầu tiên là trường Mang Buk. Sau đó sẽ rút kinh nghiệm cho các trường khác, đặc biệt ở xa thị trấn. Vì vậy sự quyết tâm của Trường, sự hỗ trợ của Phòng GD và của phòng NN sẽ được thực hiện cụ thể qua trao đổi thông tin: nhanh qua ĐTdđ, nhưng tốt nhất, qua Email và Internet để có cơ sở cụ thể. Trường Mang Buk liên lạc trực tiếp qua Email được là tốt nhất. Nếu còn gặp khó khăn, nhưng sẽ được khắc phục sớm, các Bạn có thể nhờ Phòng GD Konplong giúp?
Chúng ta đang ở bước 2 trong thơ Mang Buk 1 tôi gởi kèm. Để tiến tới các bước sau đường dây liên lạc qua Email được thông suốt  sẽ góp phần quyết định trong việc cùng xây dựng dự án nho nhỏ chung của chúng ta. Rất mong các Bạn quan tâm tích cực hỗ trợ.
Ý tưởng xây dựng dự án nhỏ có tên tạm gọi” Xây dựng mô hình SXNN khép kín tại trường trung  học vùng cao” với đa số học sinh là con em người dân tộc để cải thiện bữa ăn của các em nội trú và các thầy cô và kết hợp học với hành trong SX NN hợp sinh thái. với các nội dung cơ bản:
-        Để khép kín, tránh lệ thuộc vào: giống, phân, thuốc phải mua ở bên ngoài, cần kết hợp trồng rau đậu (Vườn) với (Ao) nếu có điều kiện, Chăn nuôi để có phân hữu cơ và gas nấu bếp qua sử dụng hầm ủ khí sinh học Biogas và ủ phân hữu cơ: gọi tắt là mô hình VACB.
-        Tận dụng được các thế mạnh tại chỗ hiện có. Các Thầy Cô tại trường Mang Buk góp ý cụ thể, chi tiết thêm 3 thế mạnh tôi đã tạm nêu trong thơ Mang Buk 1.
-         Những khó khăn, xin nêu cụ thể, chi tiết để tìm cách khắc phục.
-        Dựa vào các thông tin chi tiết về mục tiêu ngắn, dài hạn (bao lâu) thế mạnh, điểm yếu của trường Mang Buk. Nội dung này rất quan trọng trong việc hình thành dự án nên các Bạn cùng nhau thảo luận thật kỹ rồi góp ý. Qua đó chúng ta cùng tìm những bước đi phù hợp nhằm đạt được mục tiêu đề ra với thời biểu rõ ràng cũng như những chỉ tiêu đánh giá cho từng giai đoạn.
-        Ý kiến về dự án nho nhỏ này mong được thực hiện tại Mang Buk, thành công hay không do sự chủ động và tham gia tích cực của các Thầy Cô tại Trường. Phần tôi sẽ tham gia với mức độ cao nhất có thể vì đây là nguyện vọng thiết tha của tôi. Vài hàng về kinh nghiệm tôi đã có trong nội dung tương tự ghi ở cuối thư.*
-        Nhân sự là yếu tố quyết định. Tại Măng Buk sơ khởi tôi đã nói chuyện ngắn với các thầy: Bùi Hữu Duy, Mai Thoại Vít và Cô Lý Thị Lan Phương. Tuy nhiên thầy Hiệu Trưởng và Ban giám hiệu của Trường toàn quyền cử người thích hợp nhất với những nhiệm vụ cụ thể để xây dựng dự án. 
Thơ này được gởi tới các Bạn như trong các hộp thơ gởi đến. Nếu Bạn thấy còn thiếu ai xin cho biết để thêm vào hay có thể tự chuyển tiếp đến nơi mà bạn thấy cần thiết.
      Viết đến đây tôi thử gọi Đtdđ với thầy Bùi Đăng Duy tại Măng Buk. Sáng nay thầy Hưởng trưởng phòng GD huyện Konplong và tôi cũng có liên lạc qua Đtdđ. Sóng ĐT rất tốt, trao đổi rất rõ. Thầy Duy còn hứa sẽ cho hộp thơ Email của thầy. Như vậy việc liên lạc sẽ thuận tiện nếu các Thầy Cô vào được Internet thường xuyên. Đây là một khởi đầu thuận tiện.
Thân chào các Bạn. Hẹn thư sau khi nhận được thông tin của các Bạn.
Đỗ Ngọc Qùynh
*Tự giới thiệu tóm tắt
·       1965-1985: Học, làm luận án TS Nông học tại CHLB Đức. Tiếp tục làm việc tại trường.Hohenheim
·       Từ 1985 dến 2010 công tác tại trường ĐH Cần Thơ chuyên về nghiên cứu phát triển Biogas và Biogas trong mô hình VACB tại các nông hộ, đặc biệt các hộ cận nghèo.
·       Từ năm 2003, khi tới tuổi hưu trí, đến 2007 làm việc trong 3 dự án hợp tác với Các Đại học Á Âu của trường ĐHCT trong nội dung : xử lý rác lấy năng lượng tái tạo, phân bón hữu cơ và bảo vệ môi trường.
·       2007 đến 2010 là cố vấn kỹ thuật quốc gia của dự án VIE-020 về “sản xất năng lượng tái tạo và nông thuỷ sản bền vững từ bèo lục bình và chất thải” của Luxembourg tài trợ cho tỉnh Hậu Giang do trường ĐH Cần Thơ thực hiện với mục tiêu nâng cao thu nhập cho các nông hộ nghèo và cận nghèo.
·        Hiện đang làm vườn tại Di linh và tham gia các hoạt động xã hội.
·       Có kinh nghiệm trong việc xây dựng, tiến hành và kiểm tra dự án đặc biệt trong mô hình VACB.
·        Nội dung hợp tác với trường Mang Buk từ xa qua Internet là một thử thách mới và lý thú vì mang tính phục vụ xã hội cao. Rất mong được hợp tác với các Bạn cùng ý hướng ./.