Deutsch - Vietnamese
TƯƠNG TRỢ MƯỜNG CHÀ - ĐIỆN BIÊN

1 - Hình ảnh về CHUYẾN ĐI TÂY BẮC , theo links sau : 

      picasaweb.google.com/115287026130182551053/ChuyenDiTayBac2012#

2 - Thư Tường trình về công tác ở Mường Chà - Điện Biên :

Các bạn và các anh chị thân mến,

Chuyến đi khánh thành nhà bán trú cho các em người dân tộc Thái và Mông ở Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã được tổ chức vào tháng 2.2012, nhưng vì chúng tôi bận dịch sách dạy nghề, thời hạn nộp bản thảo vào cuối tháng 5, nên hôm nay chúng tôi mới biên email để thông tin cùng anh chị và các bạn, luôn tiện xin cám ơn các anh chị và các bạn đã góp sức xây nhà bán trú (các em được ở,  nhưng ăn uống tự túc) Mường Chà.Đây là công trình xây nhà nội trú / bán trú (lưu trú) lần thứ 4 của Ủy Ban Tương Trợ (UBTT), và lần đầu tiên xây ở miền Bắc. Lần này đoàn đi Tây bắc lại đông nhất, bên UBTT gồm có 26 anh chị: VK Đức hiện đang sinh sống ở VN hay đang về quê ăn Tết.  

Chuyến đi của đòan bắt đầu từ sáng ngày 23.2.2012 bằng chuyến bay từ Sài gòn ra Hà nội. Đến Nội bài, đòan được anh Tiến Vang, một phóng viên của báo TT đón và đưa về Hà nội. Một đón tiếp đầu tiên, vui vẻ và thân mật. Đòan được đến thăm Văn phòng đại diện của Báo và sau đó đi thăm Văn Miếu, Viện Bảo Tàng do một VK Đức xây. Đòan về nghỉ ở Khách sạn Điện Lực và hẹn sáng 4g sẽ lên đường.

Ngày thứ hai, 24.02: lên đường lúc 4g sáng, tất cả đều đúng hẹn.

Vì con đường QL6 bị sạt lở ở đọan Mộc Châu nên đòan phải tránh và đi ngang Sơn Tây, con đường khá hẹp và xấu. Đến Đường Lâm, đòan ghé ăn sáng khi trời còn tối mù. Đoàn theo QL 32 rồi rẻ sang QL 32B để vào tỉnh Sơn La, nghỉ ngắn tại Bắc Yên và từ đó là cuộc hành trình song song với sông Đà. Xe chạy trên cao, phía dưới bên trái là vực sâu với sông Đà lượn lờ, bên kia sườn núi lô nhô các bản làng người Thái, Mông, Dao. Phong cảnh vô cùng hùng vĩ. Tiếp tục đến Cò Nòi và nghỉ ăn trưa tại Hát Lót.

 

Điểm đến của ngày là Điện Biên, một khỏang cách khá xa và còn qua đèo Pha Đin dài 26 km nên đòan rút ngắn thời gian nghỉ. Dù vậy đòan đã đến giao lưu và ăn tối tại Bản Mển tuy rất muộn nhưng ai cũng chờ đòan. Thật cảm kích!

Được thưởng thức các đặc sản của người Thái đen, được giao lưu, xem văn nghệ “cây nhà lá vườn”, cùng múa xòe bên bếp lửa hồng, nhưng hấp dẫn nhất là màn “nhảy sạp”. Anh chị trong đòan đều mong được “mục sở thị” điệu nhảy nầy, xem ngày xưa mình học có đúng không và quả là đúng bài bản! Chia tay các bạn dân tộcThái để ngày mai đi Mường Chà, khánh thành nhà lưu trú do Ủy ban Tương trợ, bạn đọc báo TT và địa phương cùng góp sức xây dựng.

Ngày thứ ba, 25.02: sau khi ăn sáng, đòan lên xe đi thăm Mường Thanh, hầm De Castries, đài kỷ niệm Điện Biên Phủ. Từ đài kỷ niệm nhìn xuống thành phố Điện Biên Phủ thật đẹp. Khá thất vọng khi đến thăm hầm của tướng De Castries vì tất cả đã bị bê tông hóa, tất cả!!! Đòan trực chỉ đến Mường Chà, nơi các em học sinh đang chờ.

Nhà lưu trú chưa xong hòan tòan nhưng niềm vui của các em học sinh sẽ vào ở đã hiện rõ ở mỗi nét mặt. Các em học sinh người Mông, người Thái trắng đón đòan với những bài hát thật dễ thương. Một em dân tộc Mông đã hát bài “Đi học” tặng đòan. Chưa bao giờ nghe bài hát đó hay đến vậy với một khung cảnh như trong lời bài hát.

Đòan đến thăm các em, tặng quà cho các em gồm tập vở, bút viết, mì ăn liền và cũng không quên tặng quà rất thiết thực 2 cái phích đun nước sôi cho những thầy cô nơi đó. Lúc chia tay rất quyến luyến nhau.

Nhà bán trú có tường xây vững chắc, các có trụ có bê-tông cốt sắt, trần nhà đóng gỗ, sàn nhà lót gạch hoa và dây đẫn điện chôn trong tường, nhưng chưa có cửa sổ và các em chưa vào ở được. Lúc chúng tôi đến công trình chưa hoàn tất chỉ mới được chừng 85 %, nhưng vì sẵn dịp anh chị VK về ăn Tết đông, nên chúng tôi tổ chức để các anh chị VK có dịp ghé thăm các em. Phóng viên của báo Tuổi Trẻ, anh Đức Bình ở Hà Nội, cũng có hứa với chúng sẽ tiếp tục theo dõi và cung cấp tin tức về nhà nôi trú cho đến khi hoàn tất.  

Ăn trưa xong, đòan tiếp tục cuộc hành trình đến Sa Pa. Dọc đường ngang qua những địa danh Mường Lay, cao nguyên Tả Phình và qua Lai Châu. Phong cảnh rất hùng vĩ và cuối cùng đòan cũng đến đích là thành phố sương mù Sa Pa vào buổi tối. Dọc đường có đi qua đèo Ô quy hồ nhưng vì trời tối nên đòan không ngắm cảnh được.

Ngày thứ tư, 26.02: hôm nay là một ngày được thư giản. Đòan đi thăm thành phố và vài nơi nổi tiếng của Sa Pa như nhà thờ đá, chợ…Buổi sáng trời trong nhưng đến khỏang 10g thì sương mù ập đến dày đặc, cách xa 10m không nhìn thấy. Tuy vậy đòan cũng được đi xem bãi đá cổ rất kỳ bí, đến cầu Mây. Điều lý thú là dọc đường đi, rất nhiều hoa đào phai nở thắm, rất đẹp và hấp dẫn đòan. 

Ngày thứ năm, 27.02: trực chỉ hướng Yên Bái qua QL 32. Trục đường nầy dọc theo dãy Hòang Liên Sơn đi ngang vùng ruộng bậc thang Mù căng Chải, là thắng cảnh và di sản quốc gia. Đòan nghỉ ăn trưa và mua mật ong. Đọan đường nầy qua huyện Văn Chấn với Suối Giàng nổi tiếng với những rừng cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi và đòan đến Yên Bái cũng đã trể, nhưng chủ nhà vẫn chờ khách, rất cảm động. Buổi giao lưu văn nghệ với chủ nhà, tỉnh đòan Yên Bái, rất vui với những bài hát phong trào ngày xưa và chấm dứt rất khuya.

Ngày thứ sáu, 28.02: được biết ngay thành phố Yên Bái có khu mộ tập thể và khu tưởng niệm Nguyễn Thái Học cùng 16 đồng chí của ông, đòan đề nghị đi thăm. Lễ vật là hoa và hương được sắm sửa. Đến khu tưởng niệm mọi người trong đòan rất cảm động và cùng nhau dành một phút mặc niệm các Vị “Không thành công cũng thành nhân”  và “Chết vì Tổ quốc chết vinh quang” của các Vị. Rời khu tưởng niệm và thành phố Yên Bái, mỗi người đều thấy nao nao. 

Tiếp tục đi Phú Thọ để viếng Đền Hùng, đất tổ của những người Việt Nam chúng ta. Dọc đường ghé Đoan Hùng để mua bưởi đặc sản nổi tiếng. Phong cảnh Đền Hùng rất đẹp và lên đền Thượng với 525 bậc thang để chiêm ngưởng tổ tiên. 

Sau đó đòan về hướng Hà nội để chia tay. Đa số xuống Nội Bài để về lại Sài gòn, một số nhỏ ở lại Hà nội vài ngày.

Chấm dứt “chuyến đi bão táp” và “có một không hai” cho mỗi người trong đòan. Đi nhiều, thấy nhiều để gắn bó với quê hương nhiều hơn. Cũng như những chuyến đi khánh thành  nhà nội trú (lưu trú), trao quà tặng cứu lựt ...trước đây, để số tiền đóng góp của các bạn và các anh chị không bị hao hụt, lần này đoàn chúng tôi tự túc vé máy bay, trả tiền khách sạn, ăn uống dọc đường. Văn phòng báo TT đã đài thọ việc di chuyển: cung cấp  xe bus và bác tài xế và điều động các anh chị phóng viên BTT thổ công vùng Tây bắc tháp tùng phái đoàn. 

Sau chuyến đi khi về Sàigòn, chúng tôi có bàn bạc với báo TT nên tiếp tục xây nhà bán trú giúp các em học sinh người dân tộc ở xa trường có chỗ ăn học, khỏi phải băng rừng lội suối đi học rất nguy hiểm và dự tính vào cuối năm nay sẽ cùng nhau xây nhà nội trú ở Nam Trà Mi, tỉnh Quảng Nam. Thành thử chúng tôi rất mong sự đóng góp nhiệt tình của anh chị và các bạn, đặc biệt là các anh chị quê Quảng Nam cùng chúng tôi về quê dự lễ khai trương dự tính sau Tết Nguyên đán.

Sau đây là trương mục của VSW-UBTT:

Vietnamesisches Studienwerk e.V. (VSW)

BW-Bank (Baden-Württembergische Bank)

Kontonummer: 2842534

Bankleitzahl: 60050101

Kennwort là: Schuelerwohnheim in Quang Nam

Hạn cuối là 31.10.2012

Xin cho biết địa chỉ để gởi Spendenbescheinigung

 

Thân chào

TM. UBTT Đặng văn Châm, Ludwigstrasse 9, 73776 Altbach, Tel. 07153-26756

email: cham.dang@vsw-ubtt.com  hay cham.dang@googlemail.com

website: www.vsw-ubtt.com     

  

 

Thứ Hai, 27/02/2012, 00:15 (GMT+7)

Học sinh Mường Chà đã có nhà bán trú

TT - Sáng 25-2, tại Trường THCS thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên), đại diện báo Tuổi Trẻ cùng các thành viên Ủy ban tương trợ người Việt tại Đức tổ chức khánh thành, bàn giao công trình nhà bán trú dân nuôi cho học sinh dân tộc của bảy xã thuộc huyện Mường Chà.  

Nhà có diện tích sử dụng trên 160m2, được chia thành sáu phòng, chi phí đầu tư gần 560 triệu đồng, trong đó thông qua báo Tuổi Trẻ, Ủy ban tương trợ người Việt tại Đức đóng góp gần 375 triệu đồng.

Tại lễ khánh thành, ông Lý Nụ Phình, chủ tịch UBND huyện Mường Chà, cho biết Trường THCS thị trấn Mường Chà là trường ở thị trấn không thuộc diện có nhà nội trú nên nhiều năm nay 176 em học sinh đến từ bảy xã trong huyện phải tự túc lo việc trọ học. Cô Nguyễn Thị Ngần, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết sáu phòng của nhà bán trú có thể bố trí cho 50-60 học sinh ở, sinh hoạt.

Ông Đặng Văn Châm, chủ tịch Ủy ban tương trợ người Việt tại Đức, rất cảm động trước tấm lòng hiếu học, vượt mọi khó khăn để đến trường của học sinh dân tộc vùng sâu, vùng xa. Ông cho biết Ủy ban tương trợ người Việt hi vọng thời gian tới sẽ tiếp tục có những công trình xã hội ý nghĩa cho người dân nghèo.

Cũng tại buổi lễ, báo Tuổi Trẻ cùng Ủy ban tương trợ người Việt tại Đức đã trao tặng 150 phần quà gồm sách vở, đồ dùng học tập, vật dụng gia đình cho giáo viên và học sinh Trường THCS thị trấn Mường Chà.

Sáng 25-2, tại mảnh đất ngã ba biên giới Việt - Trung - Lào, báo Tuổi Trẻ cùng Đồn biên phòng A Pa Chải đã khởi công xây dựng lớp học mầm non và nhà ở cho giáo viên mầm non điểm Trường Tá Miếu, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Lớp học và nhà ở giáo viên được xây dựng với diện tích sử dụng 60m2 (trong đó có 40m2 làm phòng học), có tổng trị giá (dự toán) 310 triệu đồng từ tiền quyên góp của bạn đọc báo Tuổi Trẻ. Dự kiến công trình sẽ đưa vào sử dụng dịp 30-4 hoặc 7-5 năm nay.

Đ.BÌNH

http://tuoitre.vn/Ban-doc/479550/Hoc-sinh-Muong-Cha-da-co-nha-ban-tru.html

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin tức