Deutsch - Vietnamese
CHUYẾN ĐI TRÀ TẬP - QẢNG NAM 2013

Stuttgart ngày 14.10.2013

Các anh chị và các bạn thân mến,
 
Sau Tết Nguyên đán năm Quý Tỵ, báo Tuổi Trẻ (TT) và VSW-UBTT đã tổ chức chuyến đi Quảng Nam, từ ngày 21.2. đến 25.2. 2013 (mồng 10 đến 16 âm lịch), để làm lễ khánh thành nhà bán trú Bình Minh 13 ở Trà Tập và thăm những thắng cảnh ở Đà Nẵng và Quảng Nam. Đây là nhà bán trú dân nuôi thứ 5 do VSW-UBTT tài trợ. Lần này phái đoàn gồm có 26 Việt kiều (VK) và 6 anh chị của báo TT ở SG cùng một số anh chị phóng viên của Văn Phòng báo TT ở Đà Nẵng tháp tùng tùy theo từng giai đoạn và địa phương. Trong đoàn VK của chúng tôi có 1 VK Canada nhưng đã nhập tịch VK Đức từ lâu và 1 VK Bỉ nhất định phải đi vì Tiên Phước, Quảng Nam là quê hương của anh.
Vào tối 20.2 lúc 19 giờ nhiều anh chị trong đoàn ham vui đi xe lửa từ ga Sài gòn đến ga Đà Nẵng, những anh chi khác đi máy bay từ Sàigòn, Hà Nội …, hẹn gặp nhau tại Đà Nẵng.
  
Các em học sinh đang đợi lễ khánh thành nhà bán trú Trà Tập, Quảng Nam
Phái đoàn VK với các thầy cô và quan khách trường THCS Trà Tập
Sáng sớm ngày 22.2 lúc 4 giờ sáng đoàn khởi hành đi Trà Tập, Nam Trà Mi. Trên đường đi có ghé thăm nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng ở Tiên Kỳ, Tiên Phước. Sau đó có thăm đập thủy điện Sông Tranh II ở Bắc Trà Mi, nơi có động đất và đập có khả năng bị vỡ, nên nhà máy điện đã bị ngưng hoạt động, một công trình trở thành một di tích. Đến giữa trưa xe bus chở chúng tôi đến cầu treo ở thị xã Trà Mi. Vì xe không qua cầu được, các thầy cô trường Trà Tập đã chở chúng tôi đi xe Honda. Qua cầu treo lắt lẻo và một đoạn đường chừng 2 cây số vào mùa mưa đường sá trơn trợt rất nguy hiểm. Nhưng thầy cô rất khéo lái đường rừng nên không có tai nạn xảy ra.
Nhà trường và các em học sinh đón tiếp chúng tôi rất trọng thể. Chúng tôi được xem văn nghệ các em hát và múa, nghe giọng ca của các cô giáo nhớ về Trường Sa, được uống rượu cần với các thầy cô và các viên chức trong huyện. Trước đây trường đã xây có một nhà lưu trú, nhưng rất nhỏ, không đáp ứng nhu cầu. Nhà lưu trú cũ này dành cho các em nam học sinh và nhà lưu trú mới do chúng ta tài trợ dành cho khoảng 70 em học sinh nữ nội trú, với nhà vệ sinh và phòng tắm rất sạch sẽ và ngăn nắp. Nhà lưu trú mới đã xây xong vào cuối năm 2012, nên trước Tết các em đã dọn vào ở đó, việc trang bị bàn ghế, giường ngủ cho các em đã hoàn tất. Ở những nhà lưu trú khác do VSW-UBTT tài trợ, giường ngủ thường thường có hai tầng, ở đây giường chỉ có một tầng, kê sát nhau, trên giường mỗi em có chiếc chiếu nhỏ, có gối nằm san sát nhau, trên tường có kệ sách, móc áo, xem ra rất tiện lợi.
   

Cô giáo và các em hân hoan chào mừng nhà bán trú Trà Tập, Quảng Nam
Phòng các em ở tại Trà Tập, Nam Trà Mi

10,7 triệu để mua tập vở, bút viết nguyên tử tặng cho tất cả 170 học sinh ở trường, riêng các em nội trú chừng 100 em, mỗi em 6 gói mỳ ăn liền và một số bao gạo. Riêng cho các thầy cô chúng tôi tặng hai phích nấu nước sôi để các thầy cô uống trà. Ngoài ra, chị Huệ vì phải về lại Đức sớm không tham dự chuyến đi, nhưng chị cũng đã gởi tiền lì xì, mỗi phong bì 200 ngàn ĐVN, để mừng tuổi năm Quý Tỵ cho các em có mặt tại hôm đó.

Sau khi dự lễ khánh thành trời tối chúng tôi về Tam Kỳ và ngủ lai ở đó. Sáng hôm sau về Hội An, trên đường đi ghé thăm thánh tích Mỹ Sơn, ghé thăm đề táp Mỹ Sơn, thăm cánh đồng trồng rau sạch (bio) ở Trà Quế. Đến Hội An nhằm tối Tết Nguyên tiêu (rằm tháng giệng ta) chúng tôi có dịp đi thăm đèn lồng ở phố cỗ Hội An, về khách sạn  còn văn nghệ đến khuya mới đi ngủ. Theo chương trình, sau Tết nguyên tiêu ban tổ chức   sẽ cho chúng tôi cắm trại ở  Cù lao Chàm, nhưng mùa này có gió Tây Bắc, sóng lớn, nên người bạn làm ở sở khí tượng SG gọi điện thoại khuyên không nên đi, thành thử ban tổ chức đã cho chúng tôi đi thuyền rồng du ngoạn trên sông Thu Bồn vào mùa mưa nước lũ, rất lạnh. Trên đường về Hôi An chúng tôi ghé thăm làng gốm ở Thanh Hà, làng Mộc ở Kim Bằng.  Tối hôm đó ở bến tàu Hội An có tổ chức thả đèn hoa đăng trên sông để cầu quốc thái dân an, anh Nguyễn Sự, một quan chức trong chính quyền Hội An, nhưng là người cởi mở, năng động, trong suốt trong 20 năm qua anh đã gìn giữ cho Hôi An là một thành phố di tích về văn hóa với nhiều nhà cổ, đường cổ, sạch sẽ và trật tự, nên quyến rũ rất nhiều du khách. Tối đó anh Sự đến thăm chúng tôi đem theo đoàn văn nghệ địa phương và những trò chơi ngày Tết đặc biệt của xứ Quảng như bài chòi …, chung vui với chúng tôi, và chúc mừng 6,7 anh chị em trong đoàn có sinh nhật 60 và một chị SN 72 năm con rồng. Cũng may là hôm đó có thêm sự tham gia của những anh chị văn nghệ xứ Quảng ở SG về thăm quê trong dịp Tết, nên văn nghệ tối hôm đó thật đặc sắc. Tiếc là ở Hôi An chỉ được ồn ào đến 23 giờ mà thôi nên buổi văn nghệ giao lưu phải ngưngvới nhiều ấm ức, tiếc nuối.
Vào ngày cuối 25.2, chúng tôi trở lại Đà Nẵng, khi đi qua núi Ngũ Hành Sơn, ghé thăm hàng mỹ nghệ đồ đá Non nước để mua đồ kỹ niệm, giữa  trưa đến núi Bà Nà, đi cáp treo lên thăm khu dịch lịch Bà Nà ở độ cao 1489m, hầm rượu vang của Tây còn để lại và thăm chùa Linh Ứng ở trên đỉnh núi. Chiều về lại Đà Nẵng ghé thăm Văn phòng Báo TT và chia tay.
Sau sáu ngày đi đường, ai cũng mệt nhừ không còn ham vui, nên gần như cả đoàn đều đi máy bay về lại Sàigòn và hẹn gặp lại trong chuyến đi khánh thành nhà lưu trú ở Cao Bằng vào năm tới.
Thân mến
Đăng văn Châm